VINH QUANG ĐỨC MARIA
Phạm Duy Lễ chuyển ngữ MARIA THƯƠNG TA CHÍ THIẾT Cháy nóng một hoài bão hi sinh Maria thật là Mẹ chúng ta, điều ấy đã hiển nhiên. Chúng ta hãy trẽ sang một khía cạnh khác: ấy là ân cần chiêm niệm tình yêu cao cả của Mẹ đối với chúng ta như thế nào. Yêu thương con cái, đó là một đòi hỏi bẩm sinh của thiên nhiên. Theo thánh Tôma nhận xét: yêu con là định luật thiên nhiên nên không cần phải có giới răn nào rõ rệt buộc cha mẹ yêu thương con cái. Thiên nhiên đã khắc ghi tâm tình yêu thương này vào sâu trong tâm hồn bậc làm cha mẹ, với một mãnh lực tinh vi, đến nỗi, theo thánh Ambrosiô, cả đến sơn muông dã thú cũng không thoát khỏi: chúng cũng biết yêu thương con chúng. Các nhà du lịch thuật truyện rằng: những con hổ dữ, khi nghe tiếng kêu của con chúng bị thợ săn bắt, chúng cũng có gan nhào xuống bể, gắng sức bơi đến tận mạn tầu chở con chúng. Maria Mẹ chí ái của chúng ta nói: Những con hổ dữ còn biết yêu thương con nó, thì Mẹ há lại không thương yêu các con là con của Mẹ hay sao? Có người Mẹ nào quên bỏ được con mình, không đoái hoài đến hoa quả của lòng mình được không? Mà cho rằng có đi nữa, thì Mẹ, Mẹ cũng không thể quên các con được (Is 69,15). Không đâu, không thể nào Mẹ lại không yêu thương một linh hồn đã quyết định nhận Mẹ làm Mẹ, và Mẹ cũng đã nhận làm con của Mẹ. Chúng tôi đã nói trên, thiên chức từ mẫu của Mẹ Maria không phải là theo thể lý; nhưng là một thiên chức từ mẫu của tình yêu. Theo Thánh Kinh: Mẹ là Mẹ tình yêu mĩ diệu (Hc 24,24). Mẹ là Mẹ chúng ta chỉ thuần vì Mẹ thiết tha yêu thương chúng ta. Một tác giả cũng viết: “Mẹ tự hào vì Mẹ thực sự chỉ là Mẹ tình yêu, chỉ vì yêu chúng ta, chỉ vì tình yêu thùy mị của Mẹ đối với chúng ta, khi đã nhận chúng ta làm con của Mẹ7”. Nhưng làm sao cắt nghĩa được tình yêu của Mẹ Maria đối với bọn tội lỗi chúng ta đây? Cha Anonđô quả quyết: “Lúc Chúa Giêsu chịu chết, Mẹ Đồng Trinh Maria vì lửa đức ái nấu nung tâm hồn, cũng cháy nóng một hoài bão được sát tế cùng Con Mẹ cho loài người được sống.” Thánh Ambrosiô góp thêm lời: “Cho nên, khi Chúa chịu treo hấp hối trên thánh giá, Mẹ cũng phó mình cho bọn lý hình,” để sẵn sàng hiến dâng mạng sống cho chúng ta. Muốn hiểu rõ hơn tình yêu bao la Mẹ chí thánh yêu dấu chúng ta, chúng ta hãy cùng nhau suy niệm những lý do sau đây. Tâm tình mến Chúa hăng nồng Lý do thứ nhất khiến Mẹ Maria tha thiết yêu thương loài người, chính là vì Mẹ tha thiết mến yêu Thiên Chúa. Thánh Gioan viết: Chúng ta được lệnh Chúa: ai yêu mến Thiên Chúa cũng phải thương yêu anh em mình (1 Ga 4, 21). Theo đó, mến yêu Thiên Chúa và thương yêu tha nhân thuộc cùng một huấn giới: và khi tình yêu này tiến triển thì tình yêu kia cũng phải gia tăng. Các thánh đã thâm hiểu điều ấy. Nồng nàn mến yêu Thiên Chúa, các thánh cũng tha thiết thương yêu tha nhân. Một niềm lo lắng đến cứu độ tha nhân, các thánh đã tình nguyện từ bỏ cuộc đời tự do phơi phới, và liều cả mạng sống chí thân. Cứ đọc hạnh tích các ngài sẽ rõ. Một thánh Phanxicô Xaviê bôn ba sang tận Ấn độ, cứu trợ những thổ dân trong kiếp sống đọa đầy. Ngài từng leo đèo trèo núi, qua muôn ngàn nguy hiểm đi tìm những người xấu số lạc lõng trong những hang rừng, hốc núi hiểm trở, sống xa xã hội như những muông rừng, để đem họ về cùng Chúa. Một thánh Phanxicô Salê lo cải quá những người lạc giáo trong tỉnh hạt Chablais, suốt một năm trời dòng dã, ngài đã ngày đêm mạo hiểm: không ngại chống tay bò qua một tấm ván hẹp bắc trên một dòng suối sâu, đôi khi phủ đầy tuyết giá, để sang bờ bên kia cảnh tỉnh những con người cố chấp đó. Một thánh Phaêlinô Nôlê tự mình làm một tên nô lệ để chuộc tự do cho người con của một quả phụ. Một thánh Fiđêlê Sigmaringa, với ý định đem những người lạc giáo một miền kia về với Chúa, đã sung sướng được phanh thây xả thịt trong lúc giảng thuyết cho họ. Đó, chỉ vì lòng nhiệt thành mến yêu Thiên Chúa, mà các thánh đã đi tới chỗ làm được những việc anh hùng lớn lao vì thương yêu tha nhân như vậy. Nhưng sánh với tình mến yêu Chúa của Mẹ Maria, các thánh vẫn còn kém thua rất xa. Ngay từ vừa được phôi dựng, Maria đã mến yêu Thiên Chúa hơn hết các thiên thần và các thánh hợp một, qua suốt cuộc đời các đấng, như tôi sẽ giảng rõ sau này khi bàn về các nhân đức của Mẹ Đồng Trinh. Theo một mặc khải cho nữ tu Maria Thánh Giá8 thì chỉ một tàn lửa mến yêu chí thánh nung nấu trong tâm hồn Mẹ, đã đủ để thiêu tan cả đất trời trong nháy mắt, và so với những nồng nàn của lửa ấy, lửa mến nồng nhiệt của các luyến thần cũng chỉ là một cơn gió nhẹ thổi hiu hiu. Nếu giữa các thần thánh chân phúc đã không có một vị nào mến yêu Chúa như Mẹ Maria, thì chúng ta cũng không thể tìm đâu ra được một người nào, sau Thiên Chúa, yêu thương chúng ta hơn Mẹ Maria chí ái được. Cứ đem dồn vào một trái tim độc nhất tình yêu của tất cả các người mẹ đối với con mình, của tất cả các đôi bạn tình loan phượng, của tất cả các thần thánh đối với những người sùng mộ các đấng, chúng ta cũng chưa có một ý niệm nào khả dĩ so được với tình yêu Mẹ Maria đối với chỉ một linh hồn. Cha Nierembê viết: “Tình yêu hết mọi người mẹ âu yếm con mình, chỉ là một bóng mờ nhạt nếu đem so sánh với tình âu yếm dịu dàng Mẹ Maria ấp iu với bất cứ người nào chúng ta”. Ngài lại thêm: “Mẹ yêu thương chúng ta hơn tất cả các thần thánh hợp một có thể thương yêu chúng ta”. Vì lẽ gì Mẹ Maria lại yêu thương chúng ta đến độ ấy? Tại vì khi trút linh hồn, Giêsu Con chí ái của Mẹ đã ký thác cho chúng ta tình âu yếm từ mẫu của Mẹ. Chúng ta đã thấy Chúa muốn choán gồm cả nhân loại vào thánh Gioan khi di mạng: Thưa Bà, đây là Con Bà (Ga 19,26). Đó là những lời tối chung Chúa Giêsu nói với Mẹ. Mà những lời di ngôn tối chung đó lại thốt ra giữa những làn hơi nghẹn vít đứt quãng sau cùng của một người mà Mẹ thiết tha yêu dấu, thì thật quí giá biết bao đối với tâm hồn dịu dàng của Mẹ, một tâm hồn lúc nào cũng khăn khắn ân iu cái kỷ niệm độc nhất vô nhị, không lời nào tả xiết này! Mua chuộc ta bằng đau thương thống thiết Ngoài ra, chúng ta còn là những người con được Mẹ Maria mến yêu rất mực, vì Mẹ đã mua chuộc chúng ta bằng những đau thương vô cùng da diết. Người mẹ nào mà không vậy: các bà quí yêu tha thiết những người con mà các bà phải phí tổn nhiều đau khổ, nhiều gian truân mới giữ gìn được sống mạnh. Mà lũ chúng ta là con Mẹ Maria, những người con Mẹ đã phải thống khổ đến mực nào mới chuộc lại được? Để ban cho chúng ta sự sống ân sủng, Mẹ đã phải hiến dâng và hi tế sự sống vô cùng quí trọng của Chúa Giêsu Con Mẹ, đã phải nhãn tiền chứng kiến Con Mẹ chịu chết giữa những tàn bạo dã man của nhục hình. Chúng ta đã được sinh vào cuộc đời siêu nhiên, cuộc đời thánh thiện, do cuộc hiến tế cao trọng đó của Mẹ. Được sản sinh với giá những niềm thống thiết quá mực ấy, chúng ta mới được Mẹ yêu chiều quí mến thiết tha. Đọc thánh Gioan, ta thấy Phúc Âm cho ta biết tình yêu đã thúc đẩy Cha hằng hữu phó trao Con riêng Cha, Con duy nhất của Cha để thế gian được sống: Thiên Chúa yêu thương thế gian quá, đến phó trao Con duy nhất mình cho họ (Ga 3,16). Những lời này, thánh Bonaventura bảo chúng ta cứ việc đem áp dụng vào cho Mẹ Maria: “Mẹ đã yêu thương chúng ta quá, đến phó Con duy nhất của Mẹ cho chúng ta”. Mẹ ban Con Mẹ cho chúng ta khi nào? Cha Nierembê trả lời: trước hết, khi Mẹ bằng lòng để Con Mẹ dấn thân vào cuộc tử nạn; Mẹ lại ban Con Mẹ cho ta, khi, người thì vì sợ hãi, người thì vì căm hờn, không ai dám ra mặt bênh vực Chúa Giêsu, một mình Mẹ có thể cứu sống Con Mẹ một cách hữu hiệu trước ba toà pháp quan. Ta có thể tin chắc rằng lời biện hộ đầy tình yêu của một bà mẹ hiền như Mẹ sẽ gây nên xúc động mạnh mẽ, ít là trong tâm hồn trấn thủ Philatô, để cản ngăn nhà cầm quyền này không kết án tử một bị cáo mà chính ông đã công nhận và tuyên bố là vô tội như Chúa Giêsu. Nhưng không, Mẹ Maria đã không hề thốt ra một lời nào biện hộ cho Con mình, để khỏi đi ngược với thánh ý Con Mẹ là chịu chết để cứu độ chúng ta. Sau cùng, Mẹ lại ban Con Mẹ hằng nghìn và hằng nghìn lần cho chúng ta lúc suốt ba giờ Mẹ đứng kề bên thánh giá, chứng kiến cơn hấp hối não nề của Chúa Giêsu. Lúc đó, từng giây từng phút, Mẹ chỉ chăm chú một việc là hiến tế sự sống Con chí thánh Mẹ cho chúng ta, với một tình yêu thương cũng cân bằng với niềm đau rất mực của Mẹ. Thánh Anselmô và thánh Antôninô viết: “Lòng Mẹ đại lượng bao la, đến nỗi, nếu các đao phủ thủ có sơ khoáng cách nào, thì chính Mẹ, chính Mẹ sẽ tự tay đóng đanh Con Mẹ vào thánh giá, để thực hiện đúng thánh ý Cha trên trời đòi Chúa Giêsu phải chết làm giá cứu chuộc chúng ta”. Tổ phụ Abraham ngày xưa sẵn sàng tự tay sát tế con yêu, đó là một hình ảnh về tâm hồn dũng cảm của Mẹ Maria. Chúng ta phải tin rằng Mẹ Maria rất có thể sẽ làm như thánh tổ phụ, nhưng với một tâm hồn còn cương nghị lớn lao hơn rất nhiều, vì Mẹ vượt trổi rất xa tổ phụ Abraham về thánh thiện và tuân phục. Nhưng hãy trở lại đề tài chính chúng ta đang suy niệm, tức là lễ hi sinh vô cùng đau khổ: Mẹ Maria dâng hiến Con Mẹ để xin cho mọi người chúng ta được sống. Còn niềm tri ân nào mà chúng ta không phải khăn khắn ghi lòng để cảm tạ Mẹ đã thực hiện một hành động yêu thương vĩ đại nhường ấy đối với chúng ta! Thiên Chúa rộng tay tưởng thưởng tổ phụ Abraham, vì đã thực hiện ngay lễ hiến tế con mình là Isaac. Nhưng chúng ta, chúng ta có thể dâng về Mẹ cái gì để cảm tạ Mẹ vì đã hiến tế sự sống Chúa Giêsu Con Mẹ cho ta được? A! Mẹ đã thương yêu chúng ta như thế, chúng ta cần phải mến yêu Mẹ chừng nào! Về điểm này, thánh Bonaventura viết: “Ở thế gian không bao giờ có thụ tạo nào nồng nàn yêu ta bằng người Mẹ đã ban cho ta Con duy nhất mình, đã hiến dâng Con mình vì chúng ta, Người Con mà Mẹ thiết tha âu yếm vô cùng hơn yêu chính mình Mẹ”. Đem Giá Máu Chúa Giêsu giải thoát ta Tiếp vào sự chết của Chúa Giêsu, tình yêu vĩ đại của Mẹ Maria đối với chúng ta còn một lý do nữa: ấy là Mẹ coi chúng ta là giá bảo huyết Con Mẹ đã tuôn trào. Nếu có ai tỏ cho người mẹ nào đó một nô lệ mà người con ưu ái của bà đã mua chuộc bằng hai mươi năm đau khổ, nhọc nhằn, tù ngục, thì hẳn vừa thoạt nhìn thấy, bà đã tỏ hết lòng âu yếm người nô lệ đó! Phần Maria, Mẹ biết rõ Con Mẹ xuống thế gian với mục đích duy nhất là cứu chuộc bọn người tội lỗi chúng ta. Chính Chúa đã tuyên ngôn: Ta đến tìm kiếm và cứu sống những gì đã tiêu trầm (Lc 19, 16). Chúa đã không ngần ngại tuân phục cho đến chết (Pl 2, 8) để đem sự sống mua lấy ơn cứu độ cho ta. Nhân đó, nếu Mẹ Maria không thương yêu chúng ta, tức là Mẹ tỏ ra ít quí chuộng bảo huyết Con Mẹ, giá chuộc chúng ta. Thánh nữ Isave được mặc khải cho biết: ngay từ ngày dâng mình trong Đền thờ, Mẹ Đồng Trinh đã nỗ lực chú tâm cầu nguyện cho chúng ta, nài ép Thiên Chúa phái Con Ngài xuống cứu nguy thế giới9. Ta thử tưởng tượng xem trái tim Mẹ Maria triển dương một tình yêu đại lượng chừng nào đối với chúng ta, đã không nề hà trả giá cực đắt chuộc chúng ta về. Lý luận trên đây cho ta kết luận: Chúa Giêsu đã cứu chuộc cả loài người, tất nhiên cả loài người đều được Mẹ Maria yêu đương và ưu đãi. Thánh Gioan đã nhìn thấy Mẹ mặc mặt trời: một điềm lạ xuất hiện trên không trung, một nữ nhân mặc mặt trời (Kh 12, 1). Tại sao Mẹ lại hiển linh như thế? Tại vì, tương tự như mặt trời mà không ai thoát được khỏi nhiệt lực của nó (Tv 18, 7), Mẹ Maria cũng tỏa một ảnh hưởng bao la xuống hết mọi linh hồn trên cõi trần. Cha Idiota10 viết: “Nhiệt lực của mặt trời chính là đức ái của Mẹ Maria”. Thánh Antôniô chất vấn và cảm thán: “Ai có thể hiểu được Mẹ Maria ân cần săn sóc đến chúng ta thế nào không? Mẹ rộng mở tấm lòng ái tuất ra đón nhận toàn thể nhân loại”, trao tặng và cấp phát cho nhân loại tình thương lai láng của Mẹ. Không ai không được Mẹ khát khao giải thoát cho, không ai không được Mẹ đồng công cứu chuộc về. Cũng hiểu như thế, nên thánh Bênađô quả quyết: “Rõ ràng là Mẹ Maria đã săn sóc đến toàn thể nhân loại”. Do đó, theo lời bảo đảm của cha Cornêliô Lapiđê, các tôi tớ tận trung của Mẹ Maria đã tìm ra một thực hành rất hữu ích, một lời cầu nguyện thiết thực: “Lạy Chúa, xin ban cho con những ân huệ mà Mẹ Đồng Trinh chí thánh đã xin cho con”. Cũng tác giả đó lại thêm: “Thật không còn gì khôn khéo hơn, vì Mẹ chí thánh của ta hằng nguyện ước cho ta những ân huệ tuyệt diệu hơn chúng ta có thể ước nguyện”. Hơn nữa, theo lời cha Bênađinô Busti, “lòng Mẹ nhiệt liệt ước ao làm ơn lành và trao ban ân huệ cho ta thắng vượt sự háo hức đến nhận lĩnh của ta rất nhiều”. Thánh Anbêtô Cả áp dụng vào Mẹ những lời sau đây của sách Triết Ngôn: Mẹ đón trước những ai khát khao Mẹ, và Mẹ tỏ mình ra cho họ trước (Kn 6, 14). Mẹ thi hành điều ta cầu xin trước khi ta ước nguyện, và chưa đi tìm Mẹ, ta đã gặp Mẹ rồi. Chỉ cần chúng ta cần đến Mẹ, thế là đủ: Cha Risa Víctôrê viết: “Lòng nhân từ ái tuất của Mẹ thúc đẩy Mẹ bay đến cấp cứu ta, ngay khi ta chưa kịp kêu cầu Mẹ”. Một tình thương hối hả Nếu Mẹ Maria đã tỏ dạ nhân từ với hết mọi người, cả với những người bạc bẽo, hững hờ không mến yêu Mẹ, ít tưởng đến cầu xin Mẹ, thì Mẹ còn hối hả yêu đương những người tha thiết mến yêu và mau mắn đến kêu cầu Mẹ đến đâu? Yêu Mẹ thì dễ gặp Mẹ, tìm Mẹ là thấy Mẹ ngay (Kn 6,14). Thánh Anbêtô Cả thêm: “Ồ! phải, một tâm hồn mến yêu Mẹ muốn gặp Mẹ, gặp thấy Mẹ đầy ái tuất và yêu thương, thật quá dễ dàng”. Mẹ cũng tuyên nhận là Mẹ không thể cưỡng lại được người tỏ lòng kính mộ Mẹ: Mẹ yêu thương những người yêu mến Mẹ (Cn 8, 17). Quả thật, Mẹ dấu yêu của chúng ta choàng ôm tất cả nhân loại là con Mẹ trong tấm lòng từ bi bao la của Mẹ. Nhưng thánh Bênađô nhận định, “Mẹ cũng phân biệt và ưu ái”, phân biệt những linh hồn yêu mến Mẹ tha thiết hơn, để dồn tâm tình ưu ái họ. Ôi! Hạnh phúc thay những linh hồn say sưa yêu mến Maria! Không những Mẹ sẽ hết sức yêu chiều họ, mà còn phục vụ họ nữa, như cha Idiota quả quyết: “Tìm gặp Mẹ Maria là tìm được mọi tài sản: Mẹ yêu thương những người yêu mến, hơn nữa, còn phục vụ những người phụng sự Mẹ”. Niên ký dòng thánh Đaminh kể truyện thầy Lêođa Montpellier có lệ mỗi ngày dâng mình cho Mẹ tình thương Maria hai trăm lần. Khi lâm trọng bệnh, thầy thấy bên giường một vị nữ vương tuyệt mĩ nói với thầy: - Lêođa ơi, con có muốn chết để đến với Con Ta và Ta không? Thầy hỏi: - Bà là ai? - Ta là Mẹ tình thương. Con đã kêu xin Ta rất nhiều lần: hôm nay Ta đến tìm con, đưa con về trời đây! Ngay hôm đó, thầy Lêođa qua đời, và chắc chắn thầy đã theo Nữ Vương của thầy về nơi vĩnh phúc. Ôi! Maria Mẹ rất dịu dàng, hạnh phúc biết bao cho người yêu mến Mẹ! Thánh Gioan Bécmăng, dòng Chúa Giêsu, quen nói: “Yêu mến Mẹ Maria nên tôi chắc sẽ bền tâm, và Chúa sẽ ban cho tôi tất cả những gì tôi muốn”. Để ôn lại quyết định của mình, thầy dòng trẻ tuổi này đã luôn luôn tự nhủ: “Tôi muốn mến yêu Mẹ Maria! Tôi muốn mến yêu Mẹ Maria!” Tình yêu của Mẹ Maria đã vượt xa trên tình yêu của toàn thể con cái Mẹ biết bao! Dầu chúng ta có tận tuyệt xuất hết nỗ lực để mến yêu Mẹ đi nữa, thì, theo thánh Inhaxiô tử đạo, “bao giờ Mẹ Maria cũng yêu thương chúng ta hơn chúng ta yêu mến Mẹ”. Những ước nguyện nồng nhiệt Ước chi chúng ta mến yêu Mẹ cả như thánh Stanila Kôska, chí thiết yêu mến Mẹ đến phát tỏa được tình yêu ấy lan sang người khác: bất cứ ai nghe ngài nói về Mẹ là phải rộn rã ước ao yêu mến Mẹ với ngài. Ngài thích tìm ra những danh từ mới lạ, những tước hiệu tân kỳ để tặng tôn thánh danh Mẹ. Bắt đầu làm bất cứ việc gì ngài cũng ngước nhìn về Mẹ, xin Mẹ chúc lành. Đọc kinh nhật tụng, lần hạt mân côi, hay đọc bất cứ lời nguyện nào tôn kính Mẹ, ngài thảy đặt vào đó một lòng nhiệt thành, một tâm tình nóng nảy, tưởng như ngài đối diện đàm tâm với Mẹ. Khi hát kinh Salve Regina, tâm hồn ngài bừng cháy và mặt ngài phát quang như lửa. Có lần một cha dòng đi với ngài đến viếng một ảnh Đức Mẹ, hỏi xem ngài yêu mến Mẹ chừng nào, thì ngài trả lời: “Ôi, thưa cha, con biết nói gì bây giờ? Maria là Mẹ con mà!” Ngài nói câu ấy với một giọng, một điệu bộ, một tâm tình cảm kích rất mực, đến nỗi, theo lời cha dòng, dường như ngài không phải là người trần gian, mà là một thiên thần nói về tình yêu mến Mẹ Maria. Ước chi chúng ta yêu mến Mẹ cả như thánh Giuse Hêman, tấc riêng luống những ngày mơ đêm tưởng đến Mẹ, cảm lòng Mẹ sâu xa tới chỗ Mẹ gọi ngài là bạn tri âm, và ngài cũng gọi Mẹ là người bạn lòng chí thiết. Ước chi chúng ta yêu mến Mẹ cả như thánh Philiphê Nêri, chỉ nhớ đến Maria thôi cũng đủ trào lên một nguồn an ủi mênh mông như thủy triều: trong lúc hứng thú dạt dào đó, ngài gọi Mẹ Maria là khoái lạc của linh hồn mình. Ước chi chúng ta mến yêu Mẹ Maria cả như thánh Bonaventura, tuyên tụng Mẹ là “Nữ Vương, là Mẹ chí ái” cũng chưa thỏa tình toại chí, còn gọi Mẹ là “trái tim, là linh hồn” của mình, làm tang chứng tấm lòng rộn ràng bao tình mến Mẹ. Ước chi chúng ta mến yêu Mẹ cả như thánh Bênađô, một người si tình Mẹ Maria, say mê mến Mẹ dịu hiền, không ngần ngại đặt tên cho Mẹ là Người Đoạt thủ các tâm hồn: Raptrix cordium. Lòng ngài bừng bừng lửa yêu mến hăng say, mê man như rượu mạnh, đã để miệng thốt lên với Mẹ: “Mẹ lại đã chẳng đoạt thủ, chẳng ‘đánh thó’ trái tim con đó ư?” Ước chi chúng ta ngày đêm canh cánh bên lòng một tình yêu mến Mẹ bao la, đến dám gọi Mẹ là người yêu, như thánh Bênađinô Siêna đã gọi. Ngày ngày ngài đi thăm viếng một tượng Đức Nữ Vương chí ái đã chiếm đoạt trót lòng ngài, thỏ thẻ hết nỗi niềm yêu mến và tâm sự với Mẹ một cách chí tình. Có người hỏi ngày nào cũng đến đó làm gì, thì ngài trả lời: Tôi đi thăm người yêu của tôi. Ước chi chúng ta yêu mến Mẹ cả như thánh Luy Gônxaga, nấu nung một nhiệt tâm yêu Mẹ chí ái không ngừng, vào ra khắc khoải, cho đến nỗi hễ cứ nghe thấy nói đến tên Mẹ, là tức thì mặt mũi bừng nóng, tỏa ra hết những ngọn lửa yêu đương thiêu đốt lòng ngài, trước mắt mọi người. Ước chi chúng ta yêu mến Mẹ say mê cả như thánh Phanxicô Sôlanô, để cho những đợt sóng yêu đương nồng nàn lôi cuốn tới một cơn điên cuồng thánh thiện, ôm lấy một cây đàn mà ca mà nhảy chí tình trước ảnh Mẹ Maria. Ngài bảo: “Tôi hiến dâng Nữ Vương chí ái của lòng tôi một khúc dạ ca như người đời thường tặng ý trung nhân của họ”. Ước chi chúng ta yêu mến Mẹ, ôi! Ước chi chúng ta yêu mến Mẹ cả như biết bao tôi tớ khác của Mẹ, không một kế sách nào mà không khám phá ra để chứng tỏ lòng yêu mến. Cha Giêrônimô Trexô, dòng Chúa Giêsu, sung sướng nhảy lên xưng mình là nô lệ của Mẹ Maria. Muốn chứng thực mình là nô lệ chí yêu của Mẹ, ngài thường đến một đền thờ dâng kính Mẹ Đồng Trinh; nơi đây, không sao kìm hãm được những đợt tâm tình dào dạt trong lòng, ngài thổn thức đổ tràn nước mắt xuống tiền đường, rồi quì xuống lấy lưỡi và mặt mà lau, vừa lau vừa hôn kính thiết tha, vì ngài bảo đó là tư thất của Nữ Vương yêu dấu ngài. Cha Diego Martinez, cũng thuộc dòng Chúa Giêsu, tận tình mến yêu Mẹ đến nỗi cứ mỗi lần có lễ trọng kính Mẹ, là được các thiên thần đem lên trời, tham dự các lễ nghi phụng hiến rực rỡ trên đó. Ngài sung sướng nói: “Ước chi tôi được trái tim của tất cả các thiên thần và các thánh để mến yêu Mẹ Maria như các ngài; ước chi tôi được sống cuộc đời của hết mọi người trần gian, để cung hiến cho tình yêu Mẹ Maria”. Ước chi chúng ta hết thảy yêu mến Mẹ Maria như ông Carlô, con trai thánh nữ Brigita, hãnh diện tuyên bố rằng ở trần gian chỉ có một hạnh phúc lớn lao hơn cả là biết Mẹ Maria được Thiên Chúa yêu thương chừng nào. Ông cũng tuyên bố mình sẵn sàng liều thân bênh vực cho cao quang của Mẹ Maria, không chịu để cho cao quang ấy bị tỉnh giảm một điểm nhỏ nhặt nào, nếu cao quang ấy bị đe dọa; sẵn sàng nhượng dâng tất cả cao quang ấy cho Mẹ Maria, nếu mình được thụ hưởng. Ước chi chúng ta yêu mến Mẹ cả như thánh Anphong Rôđriguê, khao khát bỏ mạng sống để chứng tỏ lòng thiết tha yêu mến Mẹ. Ước chi chúng ta yêu mến Mẹ cả như cha Phanxicô Binăng, như thánh nữ Rađêgonđa, chính hoàng hậu của vua Clôtariô, lấy một mũi dùi nhọn khắc thánh danh đáng mến của Mẹ trên ngực. Ước chi chúng ta chí tình mến yêu Mẹ hơn nữa, đến nung đỏ dùi lên mà ghi thánh danh Mẹ trên mình, trên da thịt mình cho rõ ràng hơn, lâu bền hơn, như hai tôi tớ nhiệt thành của Mẹ là cha Gioan Batita Archintô và Âutinh Epinosa, cả hai cùng là tu sĩ dòng Chúa Giêsu. Một Tình yêu vô địch Nhưng cho rằng các linh hồn thành tâm yêu mến Mẹ có khám phá ra mọi phương sách, tìm ra mọi diệu kế để thực hiện, và thực hiện được hết mọi điều mà tình yêu có thể sáng nghĩ và làm được, xuất hết nỗ lực để tỏ ra mình được Mẹ yêu thương, thì tất cả, tất cả cũng không bao giờ, không bao giờ những tâm hồn chí thiết mến yêu Mẹ ấy có thể mến yêu Mẹ như Mẹ yêu thương họ được. Thánh Phêrô Đamianô viết: “Lạy Mẹ, con biết Mẹ vô cùng nhân ái, và yêu thương chúng con bằng một tình yêu vô địch”. Một lần, thánh Anphong Rođriguê, dòng Chúa Giêsu, đứng trước một bức ảnh Đức Mẹ, tâm tình sôi lên vì mến yêu, không sao cầm giữ nổi trào lòng, đã thốt lên: “Mẹ rất yêu dấu, con biết Mẹ yêu con lắm, nhưng cũng chưa bằng con yêu mến Mẹ đâu”. Tức thì, dường như bị xúc phạm đến sợi dây tinh tế nhất của tình yêu, Mẹ Maria đáp lời từ ảnh đó: “Con nói gì, con nói gì? Ồ! Tình Mẹ yêu con vượt xa tình con yêu Mẹ lắm! Khoảng cách giữa đất lên trời còn ngắn hơn tình Mẹ yêu con đó, con ạ!”. Cho nên thánh Bonaventura đã có lý khi viết: “Hạnh phúc cho những ai hiến dâng tâm hồn mình cho Mẹ! Hạnh phúc cho những ai thiết tình phụng sự Mẹ!”. Phải, định mệnh của họ rất đáng mơ thèm, vì không bao giờ Mẹ Maria lại chịu để cho các con Mẹ yêu mến Mẹ hơn Mẹ yêu thương họ. Một tác giả viết: “Trong cuộc đua tranh yêu đương này, phần thắng bao giờ cũng về tay Mẹ”. Theo lối Chúa Cứu Thế yêu dấu, “Mẹ phung phí tình yêu để đáp lại tình yêu, Mẹ không ngừng thêm những tặng ân tân kỳ vào những ân huệ Mẹ đã ban”. Để châm dứt tiết này ở đây, tôi xin mượn những lời nảy lửa của thánh Anselmô như sau: “Ước chi ngọn lửa tình yêu trường tồn của Chúa và Mẹ thiêu đốt trái tim con, thấu tận tới tủy xương con”, thiêu hủy linh hồn con, ôi Giêsu Cứu Tinh chí ái, ôi Maria Từ Mẫu chí tình! Vì con không thể yêu mến Chúa và Mẹ được, nếu thiếu ân sủng, nên “hồn con van nài Chúa và Mẹ, ôi Giêsu Maria, xin ban cho con một tình yêu đáp ứng được tình yêu Chúa và Mẹ, không phải vì công nghiệp của con, nhưng vì công đức của Chúa và Mẹ. Ôi Chúa yêu thương loài người! Chúa đã yêu, yêu đến chết vì loài người phạm pháp”, tức là vì những thù địch của Chúa, “thì sao Chúa lại có thể từ chối không ban cho con đang nài xin Chúa đây được ơn yêu mến Chúa và Mẹ Chúa?”. Cô thiếu nữ chân thành Cha Auriemma kể chuyện này: 11 Một thiếu nữ chăn chiên nghèo nàn nọ, có lòng yêu mến Mẹ Maria rất mực. Hạnh phúc nhất đời cô là đến một nhà nguyện nhỏ ẩn trong bóng núi, thăm viếng tượng Đức Mẹ và cùng Mẹ giãi tỏ nỗi lòng yêu mến kính tôn Mẹ, trong lúc đàn vật của cô nhởn nhơ gặm cỏ chung quanh. Tượng Đức Mẹ ở nhà nguyện đó là một tượng thô sơ, không có gì trang sức. Thấy thế, cô bé tất lực làm việc may cho tượng được một áo choàng thanh bạch. Một hôm, cô đi hái những bông hoa dại ngoài đồng, kết thành một triều thiên, rồi leo lên bàn thờ, đặt trên đầu tượng và nói: - Lạy Mẹ, con muốn đội trên đầu Mẹ một triều thiên vàng, rực rỡ những đá ngọc kia. Nhưng con nghèo quá. Vậy Mẹ hãy nhận lấy triều thiên hoa nghèo nàn này, và coi đây là biểu hiệu lòng con yêu mến Mẹ. Lòng sùng kính phụng sự Mẹ Maria của cô bé mục đồng đạo hạnh ấy chỉ có những sắc thái tương tự như vậy, không có gì hơn. Nhưng rồi ta sẽ thấy về phía Mẹ, Mẹ đã đáp lại lòng yêu mến và đức ân cần của cô như thế nào. Cô lâm bệnh nặng đến hòng lìa thế. Lúc ấy, có hai cha dòng đi qua trong vùng, ngồi nghỉ mệt dưới một gốc cây. Một cha ngủ thiếp đi mất, còn cha kia vẫn thức. Nhưng cả hai cùng được thấy một hiện tượng lạ. Một đoàn thiếu nữ thanh xuân từ xa đi tới, trong đó có một thiếu nữ đoan trang diễm lệ tuyệt vời. Một cha bèn hỏi xem thiếu nữ là ai, và đi đâu qua đây. Thiếu nữ trả lời: - Ta là Mẹ Thiên Chúa. Ta và các nữ trinh đi sang làng bên thăm một trẻ nữ mục đồng sắp chết. Trước đây, em đó từng đến thăm viếng ta luôn. Nói xong, hiện tượng biến mất. Hai cha dòng nói với nhau: - Ta cũng phải đi thăm em bé đó xem sao. Rồi cả hai cùng đi vào làng, và khi tìm được nhà cô bé, các cha liền vào thăm. Nhà cô là một túp lều nhỏ, cô nằm hấp hối trên một nắm rơm. Hai cha lên tiếng chào cô. Cô liền nói: - Các cha hãy cầu xin Chúa cho xem chung quanh con bây giờ. Hai cha quì xuống và được thấy Mẹ Maria như lúc nãy, một tay cầm triều thiên, đứng bên cô bé mà an ủi. Bỗng dưng các trinh nữ kia cất tiếng hát và, nương theo tiếng ca dìu dặt hòa vang, linh hồn cô bé thoát xác phàm. Mẹ Maria đặt một triều thiên trên đầu cô, đón nhận linh hồn cô đem vào thiên đàng. Mẹ chiếm đoạt các linh hồn Lạy Mẹ chí thánh, con xin cùng với thánh Bonaventura thưa lên cùng Mẹ rằng: “Mẹ đã chiếm đoạt các tâm hồn”, xin vì tình yêu Mẹ tỏ với các tôi tớ Mẹ, cũng như vì những ân huệ Mẹ ban cho họ, Mẹ cũng chiếm đoạt tâm hồn khốn khó nhưng khát khao mến yêu Mẹ nồng nàn của con đây. Lạy Mẹ, vẻ diễm lệ của Mẹ đã lôi cuốn được Thiên Chúa ngự xuống lòng Mẹ, mà con còn có thể sống không yêu mến Mẹ sao được? Ôi, không, con xin mượn lời thánh Gioan Bécmăng là một người con chí tình của Mẹ mà thưa rằng: “Con sẽ không nghỉ, bao lâu con chưa thiết tha yêu mến Mẹ”. Không, con sẽ không cho linh hồn con được an nghỉ, bao lâu con chưa chắc được rằng con đã mến yêu Mẹ, mến yêu tha thiết vững bền, ôi Mẹ, Mẹ đã âu yếm con rất mực trong khi con vẫn bội bạc cùng Mẹ. A! Mẹ ơi, nếu Mẹ không yêu con, không thương xót con, thì con đã ra sao bây giờ rồi? Nhưng nếu khi con chưa yêu mến Mẹ, mà Mẹ đã yêu dấu con nhường ấy, thì hôm nay, bây giờ đây, con đang yêu mến Mẹ, đang ước ao yêu mến Mẹ, thì còn gì mà con không được phép đợi chờ nơi lòng khoan nhân của Mẹ nữa? Ôi Mẹ, con mến yêu Mẹ, và con muốn có một lòng yêu mến Mẹ bao la, thay cho tất cả những người ít phúc không yêu mến Mẹ. Con muốn miệng lưỡi con có thể ca tụng Mẹ bằng nghìn vạn ngôn ngữ, để làm cho hết mọi người nhận biết vinh quang, thánh đức, lòng nhân từ và tình yêu Mẹ đối với hết mọi người yêu mến Mẹ. Nếu con giầu vàng sang của, con sẽ tiêu hao hết vì lòng kính yêu Mẹ. Nếu con có nhiều kẻ hầu người hạ, con sẽ đem hết mọi tấm lòng của họ hiến dâng Mẹ, và nếu cần, con xin tình nguyện hy sinh cả mạng sống con đây cho vinh danh Mẹ và cho Mẹ. Ôi Maria, con yêu mến Mẹ. Nhưng con lại sợ con không thể yêu mến Mẹ được, vì con nghe rằng tình yêu thì thanh khí ứng cầu, và tương đồng tương hóa. Mà con thấy con khác xa Mẹ quá, đó có phải là dấu tỏ ra con không thể yêu mến Mẹ được chăng? Mẹ rất thanh sạch, mà con thì quá nhớp nhơ! Mẹ rất khiêm nhu, mà con thì quá kiêu kỳ! Mẹ rất thánh thiện, mà con thì quá hư hỏng! Nhưng Mẹ sẽ làm điều Mẹ phải làm: con yêu mến Mẹ, thì Mẹ hãy đồng hóa con nên Mẹ. Mẹ có phép cải tạo được các tâm hồn, thì xin Mẹ đón nhận và cải tạo tâm hồn con đi. Mẹ hãy tỏ ra cho đời biết Mẹ đã làm gì để biệt đãi những người Mẹ yêu thương. Mẹ hãy thánh hóa con, hãy làm cho con nên đứa con xứng đáng của Mẹ. Hy vọng của con là thế đó, Mẹ ơi. Amen. |